Theo các chuyên gia, tác động thường thấy của việc đeo cặp sách quá nặng là mệt mỏi, đau lưng, lệch xương sống… nặng hơn có thể dẫn đến, suy tim, cột sống xiêu vẹo.



Mua cặp nhẹ rồi …cho vào đủ thứ!

Nhiều gia đình đã ý thức việc chọn cặp sách siêu nhẹ cho con, song khi đi học thì lại nhét vào đó thập cẩm các thể loại, biến chiếc cặp siêu nhẹ trở thành… siêu nặng.
Ngoài gánh nặng sách vở, học sinh còn phải “thồ” đủ các loại thực phẩm như: sữa, bim bim, bánh ngọt, hoa quả, xúc xích và nước khoáng, quần áo thay… mà phụ huynh dúi vào cặp trước giờ đến lớp.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ Y tế cho biết, đeo cặp sách quá nặng trong thời gian dài sẽ dẫn đến vẹo cột sống, ảnh hưởng đến tim mạch. Tim phải làm việc nặng hơn có thể dẫn đến suy tim.
Vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến các khớp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về hình thể. Dẫn đến khung xương, cột sống xiêu vẹo, hậu quả rất nặng nề.

GS Trần Ngọc Ân, nguyên trưởng khoa Xương khớp, Bệnh viện E nhận định, đối với học sinh tiểu học, đeo cặp sách nặng quá 5kg sẽ dẫn đến bị gù lưng. Những học sinh này sẽ trở thành những “ông bà còng” chỉ sau một vài năm học.
Nhưng sau một thời gian “ráo riết”, đến nay dường như các nhà quản lý, các bậc phụ huynh cũng không còn để ý đến điều này nữa.


Không quá 10% trọng lượng cơ thể

Theo các chuyên gia, cặp sách cho trẻ từ 5 – 17 tuổi không được nặng quá 10% trọng lượng cơ thể. Ví dụ, nếu trọng lượng của trẻ là 30kg thì trọng lượng tối đa của cặp là 3kg.
Các bậc cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra bên trong cặp có những gì. Các đồ vật, sách vở không cần thiết nên để ở nhà. Nếu thường xuyên dọn dẹp chiếc cặp, cha mẹ có thể loại bỏ những thứ vô bổ mà trẻ nhét vào đó khi thấy thích, rồi quên bỏ ra.
BS Hoàng Xuân Đại khuyên, cha mẹ có thể quan sát con khi đeo cặp. Trẻ còng lưng về phía trước hay đổ người về phía sau, có thường xuyên dùng tay xách cặp không, có đi chậm chạp khi đeo cặp?… Nếu có những hiện tượng này cần nhanh chóng kiểm tra trọng lượng chiếc cặp ngay.

Theo GS Trần Ngọc Ân cũng cho rằng, cặp sách không phải là thủ phạm duy nhất gây những khuyết tật cho trẻ. Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới việc chọn bàn ghế, rèn luyện cách ngồi, đi đứng cho trẻ. Làm sao để tạo cho trẻ cảm thấy thoải mái nhất. Điều này đồng nghĩa với việc giúp cơ thể trẻ khoẻ mạnh, phát triển cân đối và kích thích trí não trẻ hoạt động tốt hơn.

Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ  GD&ĐT) và khoa Y tế  Công cộng (Đại học Y Hà Nội) tiến hành nghiên cứu trên 634 học sinh từ  tiểu học tới THPT thuộc quận Hoàn Kiếm và huyện Sóc Sơn (Hà Nội). 30,8% học sinh tiểu học Hà Nội bị cong vẹo cột sống, bậc THPT là 33%, ở bậc THCS là 29%.

Nguyên nhân chính là mang cặp sách quá nặng. Khảo sát cặp sách 23 học sinh tiểu học của 4 trường nội thành Hà Nội cho thấy, cặp của các bé có kiểu dáng rất đẹp nhưng đều có trọng lượng rất nặng, trung bình 0,9 – 1,4kg.



Đeo cặp thế nào tránh vẹo cột sống?

 - Chọn những cặp có  kích thước vừa phải, để hạn chế  xu hướng tham lam nhét đầy những đồ vật không cần thiết vào  đó.
- Ngăn cặp phải được phân bổ đồng đều để tránh độ nặng tập trung một bên. Tốt nhất là sắp xếp các đồ vật nặng nhất càng sát cơ thể càng tốt, gần tâm trọng lực và sau đó, luân phiên giữa bên trái và bên phải.
- Cặp phải có  dây đeo cả hai vai tránh vẹo cột sống. Để trẻ đeo thoải mái, tốt nhất nên chọn dây mềm.
- Điều chỉnh chiều dài dây  đeo thật hợp lý để khoảng cách giữa cặp và  lưng gần nhất có thể.